-kimcuong, 2013-

Dưới đây là tổng hợp các nguyên tắc cần thiết nhất trong môn Tử Bình. Trước hết chỉ là những tiêu đề nhằm giúp các bạn nhập môn hình thành một khái luận về tứ trụ và các vấn đề liên quan. Khi nhìn vào 1 tứ trụ, có những điều cần phải biết:

1- Ngũ hành (Mộc Hỏa Thổ Kim Thủy) và các biểu dụ của ngũ hành (tính chất, phương vị, tạng phủ...)
2- Thiên can và địa chi (10 can, 12 chi, âm dương, sinh vượng tử tuyệt)
3- Lập tứ trụ (4 trụ năm tháng ngày giờ), Mệnh cung, đại vận, lưu niên, thần sát
4- Xét rõ tiết lệnh (bản khí của tháng sinh)
5- Qui tắc thiên can sinh khắc hóa hợp
6- Qui tắc địa chi tương tác (hội, hợp, xung, hình, hại, phá) và chủ sự (ý nghĩa)
7- Nhân nguyên (các thiên can tàng trong địa chi)
8- Xét tổng quát nhật chủ vượng hay suy (luận tứ thời ngũ hành và thủ dụng của từng thiên can của nhật chủ)
9- Dụng, hỉ, kị của tứ trụ
10- Cách Cục (bản khí của tiết lệnh kết hợp với các khí trong tứ trụ, luận tổng quan phú, quí, cát, thọ, hung, yểu)

Sau khi lập và nhận định rõ ràng được tứ trụ mới đi vào giải luận:

11- Phân tích nhật chủ và thập thần (vượng nhược, khinh trọng, dụng kị, nhân sự, lục thân, hôn nhân)
12- Công năng của thập thần (như thân cường tài nhược, chính quan sinh ấn)
13- Khái niệm về tài vận, quan vận
14- Khái niệm về lưu niên vận trình
13- Tuế vận tổng luận

Thí dụ: nữ, sinh 18.4.1941

Tân Tị - Nhâm Thìn - BÍNH THÂN - Kỉ Hợi
(c.tài)...(Sát)............................(thương quan)

Thần sát:
Năm: Kiếp sát, Lộc (lâm quan)
Tháng: Hoa Cái
Ngày: Văn Xương
Giờ: Vong Thần, Mã, Thiên Ất, Cô Thần

Đại vận:
1) Quí Tị, từ 6 tuổi
2) Giáp Ngọ, 16
3) Ất Mùi, 26
4) Bính Thân, 36
5) Đinh Dậu, 46
6) Mậu Tuất, 56
7) Kỉ Hợi, 66

Giải luận sơ khởi tứ trụ trên theo các phân điểm:

1- Ngũ hành (Mộc Hỏa Thổ Kim Thủy) và các biểu dụ của ngũ hành (tính chất, phương vị, tạng phủ...)
Nhật chủ là BÍNH hỏa, thuộc phương nam, tạng phủ là tim, ruột non và huyết mạch. HỎA chủ về Lễ (lễ nghĩa, sự tôn kính). Hỏa thịnh thì người có đầu nhỏ hay nhọn, chân lớn, lông mày rậm, tai nhỏ, tinh thần rõ ràng, thái độ khiêm tốn, giản dị, hơi nóng nảy, hấp táp. Hỏa suy thì người gầy gò, ngôn ngữ ngông bừa, tính giảo quyệt, làm việc hữu thủy vô chung (có đầu không có đuôi). Quá thịnh hay quá suy dễ mắc bệnh ưu sầu, bệnh về đường ruột, bệnh tim, bả vai, đường máu huyết, vẻ mặt không vui tươi, răng hô, cả vùng bụng và lưỡi cũng có thể nhiễm bệnh.

2- Thiên can và địa chi (10 can, 12 chi, âm dương, sinh vượng tử tuyệt)
Nhật chủ BÍNH hỏa thuộc can dương. Các thiên can khác: Tân âm kim, Nhâm dương thủy, Kỉ âm thổ.
Các địa chi: Tị âm hỏa, Thìn dương thổ, Thân dương kim, Hợi âm thủy
(Xét Âm Dương để có một khái niệm về thuần dương hay thuần âm, hoặc tính chất Âm nhiều hay Dương nhiều..v.v...)

BÍNH hỏa toạ Quan Đái ở Thìn, tọa Đế Vượng ở Tị, tọa Bệnh ở Thân, tọa Tuyệt ở Hợi.
Sơ qua về tiền vận và hậu vận (2 trụ đầu là tiền vận, 2 trụ sau là hậu vận), có thể đoán tuổi già có bệnh tật nhiều.

3- Lập tứ trụ (4 trụ năm tháng ngày giờ), Mệnh cung, đại vận, lưu niên, thần sát
Tứ trụ lập theo lịch vạn niên, chú ý tháng sinh theo tiết khí (không phải theo tháng âm lịch như Tử vi).
Xem bảng lập Mệnh cung, lập đại vận (chú ý nam thuận nữ nghịch), lưu niên và vài thần sát chính yếu.

4- Xét rõ tiết lệnh (bản khí của tháng sinh)
BÍNH sinh tháng Thìn là tiết Thanh Minh, thuộc quý Xuân (cuối xuân). Mùa Xuân mộc vượng, hỏa tướng; cuối Xuân gần sang mùa hè, nên Hỏa sẽ rất cường thịnh, rất cần Thủy để chế ngự. Thổ không được nhiều vì Thổ trọng thì Hỏa hối (không phát sáng được), nếu gặp Thổ nhiều thì cần Mộc. Nhâm thấu mà Giáp tàng thì được gọi là "phú đại quý tiểu" (giàu mà không sang trọng). Có Giáp mà không có Nhâm là mệnh bình thường lao lực vất vả làm giàu. Nhâm Giáp mà đều không có, hoặc Ất Đinh tạp nhạp là mệnh phàm phu, không giàu, không sang.
(Cách này là nói chung về Bính hỏa sinh trong mùa, nên tìm hiểu thêm trong Cùng Thông Bửu Giám).

5- Qui tắc thiên can sinh khắc hóa hợp
Tân kim sinh Nhâm thủy. Nhâm thủy khắc BÍNH hỏa. BÍNH sinh Kỉ thổ.
Bính và Tân cách trụ, lại không phải là tháng lệnh của Thủy nên không luận hợp hóa.

6- Qui tắc địa chi tương tác (hội, hợp, xung, hình, hại, phá) và chủ sự (ý nghĩa)
Thìn và Tị đều tọa không vong. Tị lục hợp với Thân xa trụ, đặc biệt Thân Tị là loại vừa hợp vừa hình. Cung mệnh là Dần nên tứ trụ tạo tam hình Dần Tị Thân là Hỏa hình, vì thế cũng nhận ra ngay cung chồng bị phạm (Nhâm thấu là Sát, đối với nữ là chồng). Cung phụ mẫu (Mộc đại diện) và Kiếp tài (Đinh) tuy không thấu, nhưng nằm trong tam hình nên cũng không tốt.

Đến bước này, khi luận nữ mệnh, chúng ta chưa cần biết nhiều hơn, cũng đủ nhận thấy hôn nhân của người này không được thuận hòa là chính.

7- Nhân nguyên (các thiên can tàng trong địa chi)
Can tàng trong địa chi là căn gốc của thiên can lộ ra, định đoạt vượng nhược của thập thần. Vì thế mà "2 lộ không bằng dư khí", nghĩa là cho dù càng lộ ra thiên can mà gốc không có thì cũng giống như là "hư ảo", thực hư lẫn lộn, có khi gọi là "ngoài thật trong hư" là vậy. Tức là bề ngoài và tâm cang có thể không giống nhau. Có người rất vui vẻ trìu mến, nhưng thật tâm không có. Có người biểu lộ không được đủ tâm ý của mình...v.v...

Tứ trụ này Tân kim có gốc ở Thân (không gọi là bản gốc -Canh- nhưng cũng thuộc ngũ hành). Nhâm thủy có gốc Thìn, Thân, Hợi; quan trọng là trụ giờ vì Nhâm là bản gốc của Hợi. Kỉ thổ có gốc ở lệnh tháng, ở Tị và Thân, hay nói khác đi Thực thần không thấu mà Thương quan thấu. Điều này làm giảm tính chất của KV rất nhiều.

8- Xét tổng quát nhật chủ vượng hay suy (luận tứ thời ngũ hành và thủ dụng của từng thiên can của nhật chủ)
Qua phần luận tứ thời ngũ hành như điểm 4, các thiên can Tân, Nhâm và Kỉ có tác dụng rất cụ thể:
- Tân mộ ở Thìn (âm kim mộ, đây là nói về trạng thái của riêng Tân trong 12 cung SVTT)
- Nhâm khố ở Thìn (ngũ hành thủy nói chung gọi là nhập khố; chỉ gọi là Khố khi dương can nhập mộ)
- Kỉ thổ suy ở Thìn
*** Luận thiên can nào cũng có 2 hướng: tính cách biểu dụ của thập thần và trụ của thập thần. Như Kỉ thổ này là Thương quan tọa ở trụ giờ. Tính cách của Thương quan là khắc Quan, ở trụ giờ là hậu vận, có thể suy là Quan bị chế ngự ở tuổi già. Mặt khác, Thực Thương với nữ mệnh là con cái, tọa ở trụ giờ, nên dù muốn dù không, có thể sẽ có ảnh hưởng của con cái lúc về già hay hữu sự.
Những điều này không liên can gì đến dụng, hỉ, kị thần như chúng ta thường đọc qua, thí dụ như "kị thần ở trụ giờ là không nhờ được con, hay con là phá gia chi tử..v.v...). Khi luận nhiều tứ trụ thực tế, các bạn sẽ thấy những điều cơ bản xuất hiện ra không chối cãi được. -Cũng chính vì thế mà luận dụng thần, kị thần của Tử Bình không phải gọi là khó, mà vì quá phong phú thì đúng hơn.-

Còn Tỉ Kiếp và Kiêu Ấn thế nào? Bính tọa Thìn thuộc Quan Đái gọi là đắc lệnh, tọa Tị Lâm Quan là vượng. Có Giáp thiên ấn ở Hợi và Ất chính ấn ở Thìn, không hoàn toàn đắc trợ, nhưng lại làm cho tứ trụ bình hòa. Có thể luận thân vượng.

9- Dụng, hỉ, kị của tứ trụ
Đến bước này mới là rắc rối với nhiều người. Bởi vì có quá nhiều phương pháp tìm "dụng thần" cũng như hỉ thần, kị thần.

Theo tôi, bước đơn giản nhất cần chấp nhận là chữ "Dụng" ở đây không phải là "Dụng Thần" theo ý của nhiều người thường hiểu (thần hay ngũ hành mà ta dùng nó để sinh phúc, sinh tài, sinh ra quan chức, nghề nghiệp, nói chung là thần hộ mạng!).

DỤNG ở đây chính là "nguyệt lệnh", tức là ta có được những sự HỮU DỤNG cho ta tìm thấy ở nguyệt lệnh.

Đấy phải gọi là câu quan trọng nhất, bởi vì các bạn đọc nhiều sách đều thấy câu "Dụng thần chuyên tầm nguyệt lệnh"! Hiểu rõ câu này tức là Dụng (sự hữu dụng, cái mà ta dùng được) chỉ nằm trong tháng sinh.

Vậy thì BẢN KHÍ của tháng sinh trước hết là cái mà ta cần biết đến là điều hữu dụng ưu tiên nhất, vì đó là điều sinh vượng nhất. Thí dụ như Mậu ở Thìn là tọa Quan Đái, Ất ở Thìn cũng là tọa Quan Đái, Quí ở Thìn là Dưỡng. Vậy MẬU suy ra là DỤNG SỰ tốt nhất của mình. Sau đó là Ất, cuối cùng là Quí.

Tôi thì theo rất chắc chắn phương pháp: BẢN KHÍ là DỤNG. Tất cả những thập thần khác đều xoay quanh bản khí này mà luận.

Có thể nói như là ta có cái mệnh phải dùng cho được MẬU thật tốt vậy. Mậu là Ấn thì xoay quanh các công năng của Ấn mà luận. Mậu là Thực thần thì xét năng lực của Thực trong hoàn cảnh Tài, Quan, Ấn..v.v...chung quanh Thực.

Vậy, tứ trụ nữ nhân này có THỰC THẦN là DỤNG.

10- Cách Cục (bản khí của tiết lệnh kết hợp với các khí trong tứ trụ, luận tổng quan phú, quí, cát, thọ, hung, yểu)
Từ kết luận điểm 9 ở trên và biết Thực thần (cả Thương quan) có những công năng:

Tiết thân: Mậu Kỉ tiết Bính Đinh (thổ tiết khí hỏa = hỏa sinh thổ)
Sinh tài: Mậu Kỉ sinh Canh Tân (thổ sinh kim)
Địch sát tổn quan: Mậu Kỉ chế Nhâm Quí (thổ chế ngự thủy)

vậy cái DỤNG này kết hợp thế nào trong tứ trụ để tìm ra được Hỉ, Kị của tứ trụ, mà trước nhất là hỉ, kị của chính Thực thần?

Ta nhận thấy tứ trụ này có Tài và Sát đều trọng, trong khi đó Mộc và Hỏa tức là Ấn và bản thân nhật chủ thì khiêm nhường. Mậu thổ có Kỉ thấu can, nên có thể xét loại Thực thần chế Sát (Kỉ khắc Nhâm). Chế Sát bất nghiêm bởi vì Tài tinh lộ ra, lại có thể xét Thực sinh Tài! "Sinh" thì dễ hơn "Khắc" nên tâm tính chúng ta cũng thường được diễn giải như thế, gặp Tài thì sinh Tài, dùng Tài để sinh Quan, vậy là lưỡng tiện!

Vậy tứ trụ này có Thực Thương làm dụng, hỉ Tài tinh. Còn lại là vấn đề của đại vận, lưu niên và cả phong thủy nơi sinh sống. Tổng luận mệnh tiểu phú vô quí (giàu có mà không sang trọng).

Người này phát tài ở đại vận Đinh Dậu, cực tốt ở đại vận Mậu Tuất, hôn nhân không thuận (ly dị), con đông và đều hiếu thảo. Hiện thời mang bệnh nặng, sống nhờ con gái út.