Chương 31 - Luận Chính Quan

-tuhynhan, 7.7.2012-

Nguyên văn:
Khắc ta là Quan, tuy so tính chất với Thất Sát có khác biệt nhưng chung quy vẫn mang ý nghĩa bị đối phương khắc chế, tại sao (Quan) cần tránh hình xung phá hại, để tôn kính nó ư? Lẽ nào một mực cho rằng đời người trong trời đất không chịu lẽ uốn nắn, sửa mình thì mới hợp lẽ tôn kính, đến như vua còn phải noi theo thiên tổ nữa mà. Chính Quan phân rõ ra ứng với bậc chí tôn, như quốc gia thì có vua, ở nhà thì là bản thân ta, hình xung phá hại như là kẻ dưới phạm lỗi với bề trên, ôi như thế có được không!

Từ chú thích:
Quan và Sát cùng là vật khắc chế ta, còn khác về phối hợp âm dương, cho nên phép dùng chúng đại đồng tiểu dị. Như thân cường Quan khinh, nên dụng Tài sinh Quan; thân nhược Quan nhiều (trọng), nên dụng Ấn hóa Quan, cách dùng đối với Quan hay Sát trong trường hợp này là như nhau. Nhật chủ và Quan Sát vượng nhược tương đương nhau thì gọi là "lưỡng đình", đối với Sát nên dụng Thực Thương chế, còn Quan không nên chế mà nên dụng Tài sinh nó, trường hợp có Thực Thương lại phải dùng Ấn hộ Quan. Bởi thế, Quan và nhật chủ là âm dương phối hợp hữu tình, nhật chủ vốn không sợ Quan khắc, nếu gặp Thực Thương vừa tổn hại đến Quan tinh vừa tiết khí nhật nguyên, như thế không được. Còn gặp hình xung phá hại thì các cách đã thành đều kị cả, không riêng gì Quan tinh.

Nguyên văn:
Do hình xung phá hại thành kị, thì sinh nó hộ nó là hỷ. Duy trì được cái hỉ và khử được cái kị thì quý, mà trong cái quý lại phân ra cao thấp là ở chổ nào? Như lấy Tài Ấn đều thấu để bàn, hai thần này không cản trở nhau thì cái quý mới to lớn.

Như mệnh Tiết Tướng công:
Giáp Thân / Nhâm Thân / Ất Tị / Mậu Dần
----------- canh-mậu-nhâm ----------------

Nhâm thủy là Ấn, Mậu thổ là Tài, do Ất ngăn cách giữa hai thần này nên thủy và thổ không cản trở nhau, cho nên đại quý.

Nếu như:
Nhâm Tuất / Đinh Mùi / Mậu Thân / Ất Mão
---------------- kỷ-đinh-ất ----------------

Tạp khí Chính quan [tạp khí Ất tàng trong Mùi] thấu ra can hội ở chi, cho nên cực quý, còn Nhâm Tài Đinh Ấn hợp nhau nhưng vẫn luận "cô Quan vô trợ", cho nên địa vị không hơn bậc thất phẩm.

Từ chú thích:
Thuyết bảo tồn cái Hỷ khử đi cái Kị, đó là thuyết Bệnh dược, được nói đến trong sách Thần Phong Thông Khảo (tác giả Trương Nam, tự là Thần Phong Tử) vốn đã thành lời nói khuôn vàng thước ngọc. Quý cao hay thấp, tất cả đều ở phối hợp thanh, trọc, thuần, tạp.

Như mệnh Tiết tướng công, Quan Ấn tương sinh, Tài vượng nhưng không phá Ấn [do Ất cách khắc Mậu không cho phá Nhâm], Quan tinh nắm lệnh, chân thần đắc dụng, dĩ nhiên quý mệnh. Nhưng cũng có tiểu bệnh, tam hình Dần Thân Tị không khỏi hình thương quý khí, vận tới Ất Hợi tạo thành tứ xung, chưa hẳn tránh được sóng gió. Bát tự thanh thuần như thế, hay hơn ở chổ vận hành Tây Bắc là đất Quan Ấn, nên là dấu hiệu đại quý.

Còn tứ trụ tạp khí Chính quan, Mùi là mộc khố, Quan tinh không nắm lệnh, Đinh Nhâm hợp lại, Tài Ấn cả hai đều mất không dùng được; Tị Thân hợp nhau, Quan tinh bị thương. Khí thế lưu thông không tốt, đây là "cô quan vô trợ", quả thực rõ ràng dễ thấy (hợp của Tị Thân Ất Canh).

Nguyên văn:
Khi Tài Ấn cùng không dụng được thì dụng Ấn riêng không bằng dụng Tài, do Ấn có thể hộ Quan cũng có thể tiết Quan, còn Tài có khả năng sinh Quan. Nếu được Ấn hóa Quan mà thấu Tài thì càng có thêm tú khí, đó là cách đại quý.

Như mệnh Kim trạng nguyên:
Ất Mão / Đinh Hợi / Đinh Mùi / Canh Tuất

Mệnh này cùng dụng Tài Ấn, không có Thương quan cũng không tạp Sát, gọi là "khử kị tồn hỷ".

Từ chú thích:
Ấn là thần sinh ta, giống như có sự che chở của kẻ khác; Tài thì ta khắc chế nó, ví như ta quản lý kẻ khác. Khi dụng Ấn ắt hẳn thân thường nhược, khi dụng Tài thường thì thân vượng. Thân vượng gánh được trọng trách, nên tự mình phấn đấu, may mắn hơn người mà hiển hách; còn thân nhược thì khả năng xoay chuyển không bằng thân vượng nên được sự che chở của người khác, hưởng phúc ấm, an nhàn. Mệnh của Kim trạng nguyên có tam hợp Hợi Mão Mùi, nguyệt lệnh Quan hóa thành Ấn, thủy thịnh hỏa bế tắc, dụng Tài sẽ làm tổn Ấn, phải dùng đến lý "quân lại thần sinh" (vua nhờ bề tôi sinh) trong Trích Thiên Tủy. Giống như không cùng dụng Tài Ấn, cũng không phải Quan dụng Tài sinh, các kiểu này xếp vào Chính quan tựa hồ không phải.

Nguyên văn:
Tuy nhiên, (Quan) bị thương (gặp Thương quan) quyết định ở chổ có đeo Ấn hay không; hỗn tạp Sát quý ở chổ chọn được cái thanh thuần để dùng.

Như mệnh quan Tham quốc họ Tuyên:
Kỷ Mão / Tân Mùi / Nhâm Dần / Tân Hợi
----------kỷ-đinh-ất-----------

Trong mùi có Kỷ Quan thấu ra can là dụng thanh, nhưng địa chi hội mộc cục, gặp lưỡng Tân giải được, đó là gặp tổn thương (Thương) mà có Ấn hộ vệ, thế mới nói "ngộ Thương nhi bội Ấn".

Mệnh quan Tham chính họ Lý:
Canh Dần / Ất Dậu / Giáp Tý / Mậu Thìn

Giáp dụng dậu Quan, Canh kim hỗn tạp, dùng Ất lấy hợp Canh là hợp Sát lưu Quan, nên gọi là "tạp Sát nhi thủ thanh" vậy.

Từ chú thích:
"Ngộ Thương bội Ấn", "hỗn Sát thủ thanh", hiển nhiên là các chiêu thức định luận, bất di bất dịch.

Như mệnh quan Tham quốc họ Tuyên, chi toàn mộc cục, do hợp mà động, Quan hóa thành Thương, Thương vượng tiết khí dụng Ấn chế Thương làm dụng; khí Quan tinh Kỷ bị tận tiết cho kim thì há có thể biệt đãi Quan tinh? Nghĩa là mấu chốt toàn cục là ở Ấn chứ không ở Quan.

Còn như mệnh quan Tham chính họ Lý, Dậu là vượng địa của Canh kim, Ất Canh hợp làm hoãn thế khắc, đó chính là "Giáp dĩ Ất muội thê Canh, hung vi cát triệu" (Giáp gả em gái là Ất cho Canh, chuyển hung thành cát). Giáp mộc thông căn, Tý Thìn tương hợp, Tài hóa thành Ấn, lấy Ấn hóa Sát, dụng cũng tại Ấn; đặc biệt Quan có Tài sinh, được Ấn hóa nên khí thế lưu chuyển, cách cục vì hợp mà thanh thuần, đây gọi là "thủ thanh".

Nguyên văn:
Khi Quan cách thấu Thương dụng Ấn thì lại kị gặp Tài vì Tài khử Ấn không thể sinh Quan, mà chỉ thích hợp bảo hộ Thương. Nhưng cũng có trường hợp kiến Tài mà vẫn đại quý.

Như mệnh quan Thái phó họ Phạm:
Đinh Sửu/ Nhâm Dần/ Kỷ Tị/ Bính Dần

Chi đủ Tị Sửu hội Thương quan kim, Bính Đinh giải đi thấu Nhâm chẳng lẽ không phải phá cách? Lại không biết rằng Bính Đinh tịnh thấu, dụng một cũng đủ, dùng Đinh hợp Nhâm bị Tài khử; dùng Bính chế Thương mà Quan được thanh thuần, vô tình mà thành hữu tình. Đây chính là cái đẹp của tạo hóa, biến ảo vô cùng, sao không quý được.

Từ chú thích:
Đoạn trên lý luận tuyệt vời, mệnh quan Thái phó họ Phạm với Đinh Nhâm hợp gặp tháng Dần giờ Dần thì Ấn mới hóa thành Quan tinh, cách cục vì hợp mà chuyển thành thanh thuần; Bính hỏa từ Dần thấu xuất và đắc lộc đắc sinh, đầu xuân mộc vượng thổ hư, chân thần đắc dụng. Quan thanh Ấn thuần và đồng cung cùng vượng, đại quý sao có thể nghi ngờ cho được. Hợp của Tị Sửu thì không thật (bất chân) vì tam hợp hội cục lấy tứ chính (tý ngọ mão dậu) làm trọng tâm, không có dậu mà còn ngăn cách bởi dần, kim lấy dần làm tuyệt địa thì sao có thể làm hại Quan tinh được? Bởi thế, Tị là lộc địa của hỏa thổ chẳng thể là sinh địa làm kim sống lại được.

Về phần địa chi gặp hình xung thì hội hợp có thể giải được, mời xem chương trước không cần phải thuật lại, mà kể từ đây khi bàn các cách cũng không nói đến địa chi hình xung gặp hội hợp nữa.