KIM TỬ BÌNH
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

KIM TỬ BÌNHĐăng Nhập

Linh hoạt luận giải mệnh lý học Tử Bình từ nhiều góc độ và trường phái khác nhau


description25) Luận hành vận Empty25) Luận hành vận

more_horiz
Chương 25 - Luận hành vận

( -nplm dịch- )

Nguyên văn: Phương pháp luận vận và xem mệnh cũng không khác nhau. Xem mệnh lấy can chi tứ trụ phối với hỷ kị nguyệt lệnh, còn thủ vận thì lại lấy can của vận phối hỷ kị Bát tự. Cho nên ở hành vận, mỗi vận là một chữ, tất lấy chữ này phối với can chi trong mệnh để thống nhất xem toàn cục, là hỷ hay là kỵ, cát hung phân rõ ra.

Từ chú thích: Phú quý xác định ở mệnh, còn cùng đường hay hanh thông là ở vận, mệnh ví như hạt giống cây, còn vận như thời tiết làm hoa nở hay hoa rụng. Tuy mệnh tốt mà không gặp thời, như anh hùng không có đất dụng võ, ngược lại cũng có bát tự bình thường mà vận bổ trợ được khiếm khuyết mệnh cục thì cũng có thể thừa cơ quật khởi. Thế mới nói "Mệnh tốt không bằng vận tốt". Phương pháp xem mệnh thủ dụng có lẽ không ngoài các phương pháp Phù Ức, Khử Bệnh, Thông Quan, Điều Hậu, Trợ Vượng ( xem tiết Luận Dụng thần ). Phối hợp thủ vận cũng là trợ cái hỷ dụng của mình, bổ khuyết cái bất túc của mình, thành bại biến hóa, tổng thể là như nhau, nguyên văn hết sức rõ ràng không rườm rà. Riêng vận lấy phương làm trọng, tức quan trọng Dần Mão Thìn Đông phương, Tị Ngọ Mùi Nam phương, Thân Dậu Tuất Tây phương, hoặc Hợi Tý Sửu Bắc phương.

- Như: Canh Thân Tân Dậu, Giáp Dần Ất Mão, hành can chi giống nhau, không có gì để nói.

- Như: Giáp Ngọ, Ất Mùi, Bính Dần, Đinh Mão, mộc hỏa đồng khí, Canh Tý, Tân Sửu, Nhâm Thân, Quý Dậu, kim thủy đồng khí, là hỷ hay là kỵ thì tổng thể như nhau.

- Như: Bính Tý Bính Thân, hỏa không thông gốc, Canh Dần Tân Mão, kim bất thông căn, thì lực của can nhỏ còn lực phương mạnh. Lúc này, can là hỷ thì phúc không đủ, là kỵ thì cái hại cũng không lớn.

Cho nên xem đại vận cần phải hợp luận cả 10 năm, không thể chỉ lấy ra một chữ hỷ kỵ, rồi đoán kiểu thầy bói xem voi, gọt chân cho vừa giày.

Nguyên văn: Hỷ là gì? Tức là trong mệnh được thập thần giúp ích nhưng thủ đắc được nó ta phải tìm cách trợ giúp cho nó có lực. Như trường hợp Quan cách dùng Ấn để chế Thương, mà vận trợ Ấn; Tài sinh Quan mà thân khinh, mà vận trợ thân; Ấn cách mà kèm theo Tài tưởng là kị, mà vận gặp được Kiếp tài; Thực đới Sát để thành cách, Thân khinh mà vận gặp Ấn, Sát trọng mà vận trợ Thực; Thương Quan bội Ấn, mà vận hành Quan Sát; Dương Nhận dụng Quan, mà vận trợ Tài hương; nguyệt Kiếp dụng Tài, mà vận hành Thương Thực. Các loại như thế đều là mỹ vận.

Từ chú: Hỉ thần hoặc Dụng thần của mệnh được trợ giúp ở vận thì vận đó là một vận tốt. Quan cách kiến Thương là kị, dụng Ấn chế Thương để khử bệnh. Hành vận trợ Ấn nghĩa là, như mộc là Ấn, mà hành vận Đông phương Giáp Ất. Như Ấn lộ Thương tàng, Quan Sát vận cũng tốt. Thương lộ Ấn tàng, kỵ gặp Quan Sát, mà gặp Tài vận phá Ấn là tối kị.

Thân nhược dụng Ấn, kèm theo Tài là kỵ, vận hành Kiếp tài khử được bệnh. Thân cường Ấn vượng, hỷ Tài tổn Ấn, ắt hẳn vận Tài tốt đẹp, và kị vận Kiếp tài.

Thực Thần đới Sát, Thân nhược gặp khắc tiết lẫn lộn, vận gặp Ấn thụ, chế Thương hóa Sát trợ thân, chỉ một vận Ấn mà đạt được cả ba mục đích nên tốt đẹp; nếu Thân cường Sát vượng, lấy Thực chế Sát làm dụng, lúc này lại hỷ hành vận Thực Thương.

Thương Quan bội Ấn, nguyệt lệnh Thương Quan, Nhật nguyên giữ Ấn, Ấn lộ thông căn, vận hành Quan Sát sinh cho Ấn thụ nên là mỹ vận, nhưng nếu Ấn tàng Thương lộ thì lại kị gặp Quan Sát. Hơn nữa, Thương Quan thái vượng, vận hỷ Tài hương tiết khí Thương quan, Tứ trụ tuy bội Ấn mà không thành dụng thì không thể lấy việc gặp Quan Sát làm đẹp được.

Dương Nhận dụng Quan Sát, mà nguyên cục Nhận vượng thì hỷ hành Tài hương sinh cho Quan Sát, nếu Nhận khinh mà Quan Sát trọng, ắt phải trợ Nhận.

Nguyệt Kiếp dụng Tài, chỉ có Thực Thương là đẹp, nếu hành Tài vận, cần nguyên cục tứ trụ có Thực Thương mới được, tức mang ý thông quan.

Đây chỉ là đại khái, xem thêm ở "Bát cách thủ vận" (chọn đường đi thích hợp cho bát cách) thì rõ.

Nguyên văn: Kị là gì? Trong mệnh có kị tức là tồn tại yếu tố chống lại ta. Như Chính quan vô Ấn mà hành vận Thương; Tài không thấu Thực mà hành vận Sát; Ấn thụ dụng Quan, mà vận hợp Quan; Thực thần đới Sát mà vận hành Tài; Thất sát có Thực chế mà vận gặp Kiêu; Thương quan bội Ấn mà vận hành Tài; Dương nhận dụng Sát mà vận gặp Thực; Kiến Lộc dụng Quan mà vận gặp Thương. Các loại như thế đều là bại vận cả.

Từ chú thích: Dụng thần hoặc Hỉ Thần cần được sinh trợ hoặc làm vượng lên, mà hành vận ức nó tức là nghịch vận. Như Chính quan làm dụng, lấy Tài sinh Quan làm hỷ, mà vận hành Thực Thương, nếu nguyên cục có Ấn thì còn có thể hồi khắc Thực Thương nhằm bảo hộ Quan tinh, còn như vô Ấn thì Dụng thần bị thương.

Tài không thấu Thực, nghĩa là trụ có Thực thần mà không thấu chi. Vận hành Thất sát, nếu thấu Thực Thương, còn có thể hồi khắc nhằm bảo hộ Tài, không thấu thì Thực sinh Tài mà không chế Sát, làm cho Sát tiết Tài khí và còn công thân.

Ấn thụ dụng Quan, tức là nguyệt lệnh Ấn thụ mà thấu Quan tinh, lấy Quan để sinh Ấn. Vận hợp Quan như Giáp sinh Tý nguyệt, thấu Tân làm dụng, mà vận hành Bính hỏa; Bính sinh Mão nguyệt, thấu Quý làm dụng, mà vận hành Mậu thổ. Hợp khử Quan tinh, là phá cách.

Thực thần đới Sát, nghĩa là nguyệt lệnh Thực thần mà can hiện ra Sát. Vận hành Tài địa thì Tài hóa Thực để sinh Sát. Thất sát Thực chế là nguyệt lệnh Thất sát, chọn Thực chế Sát làm dụng. Vận hành đất Kiêu thì Kiêu đoạt Thực nhằm bảo hộ Sát, đều là phá cách.

Nguyệt lệnh Thương quan, Thân cường dụng Tài, Thân nhược bội Ấn (đeo Ấn hộ vệ). Dụng Tài mà đi gặp đất Kiếp tài, cũng như bội Ấn mà vận gặp Tài phá Ấn đều là phá dụng.

Dương nhận dụng Sát, kiến Lộc dụng Quan, đều là do nhật nguyên quá vượng chọn Quan Sát ức chế Lộc Nhận làm dụng, vận gặp Thực Thương, khử đi Quan Sát thì Lộc Nhận vì quá vượng mà tổn thương thân.

Tóm lại, thủ vận và xem mệnh không phải là hai phương pháp khác nhau, Nhật nguyên là chủ, phù hợp với nhu yếu của mình là Dụng thần, còn trợ cho nhu yếu của mình là Hỷ thần, hành vận trợ hỷ dụng thần là vận tốt, chống lại nó là vận xấu.

Nguyên văn: Tưởng như có hỷ dụng mà thực ra là kị thần, là thế nào? Như Quan gặp Ấn vận, mà bản mệnh hợp mất Ấn, hoặc như Ấn gặp Quan vận, mà bản mệnh dụng Sát.

Từ chú thích: Thường khi thủ vận tất phải chiếu cố thập thần trong tứ trụ, mới có thể định hỷ kị, thế mới nói là: "...ở hành vận, mỗi vận là một chữ, tất lấy chữ này phối với can chi trong mệnh để thống nhất xem toàn cục...". Quan gặp Ấn vận mà bị bản mệnh hợp mất, như ngày Giáp mộc, tháng Tân Dậu, năm Mậu Thìn, hành vận Quý thủy là Ấn, hình thành Mậu Quý hợp, chuyển [Ấn] thành thương Quan tinh. Dụng Quan tinh thì dùng Tài Ấn phụ trợ, còn như dụng Tài sinh Quan lại kị Ấn vận, do tiết khí của Quan, không nhất định phải bị hợp. Dụng Ấn gặp Quan vốn là cát vận, nhưng nguyên mệnh là Sát trọng Thân khinh, cách cục dụng Ấn hóa Sát tức lấy Ấn Kiếp phù cho thân là điều tốt, nhưng lại gặp vận Quan Sát đều chẳng thích hợp, chứ không chỉ luận Quan Sát hỗn tạp.

Nguyên văn: Tưởng như gặp kị thần mà lại thành hỷ, là thế nào? Đó là, giả như Quan gặp Thương vận mà mệnh thấu Ấn; Tài hành Sát vận, mà mệnh thấu Thực.

Từ chú thích: Dụng Quan tinh thì Thương quan là kị, nếu nguyên cục thấu Thực thần, thì có thể sinh Tài chế Sát, không ngại vận Quan Sát. Dụng Tài tinh thì Thất sát là kị, nếu nguyên cục thấu Thực thần, thì có thể sinh Tài chế Sát, không sợ gặp đất Quan Sát. Tuy không phải là vận tốt nhưng có "giải thần", chính là gặp hung hóa cát.

description25) Luận hành vận EmptyRe: 25) Luận hành vận

more_horiz
Nguyên văn: Lại như "hữu hành Can nhi bất hành Chi" (hành vận được Can mà không được Chi), là sao ? Đó là: giả như Bính sinh tháng Tý, năm Hợi, gặp (vận) Bính Đinh thì giúp đỡ thân mệnh, gặp (vận) Tị Ngọ thì xung .

Từ chú thích: Bính sinh tháng Tý, năm Hợi, Nhâm Quý thủy nắm lệnh thừa vượng, hành vận Bính Đinh là Tỉ Kiếp giúp Thân, hành vận Tị Ngọ, hỏa thất lệnh, là suy thần xung vượng, phản thành gia tăng thủy thế, chính là "hành vận được Can mà không được Chi".

Nguyên văn: Lại hành vận được Chi mà không được Can là thế nào? Như Giáp sinh tháng Dậu, Tân kim thấu nhưng nếu Quan hãy còn nhược, gặp Thân Dậu thì Quan được gốc thêm chắc, gặp Canh Tân thì hỗn Sát, trùng Quan [Quan mạnh quá hóa thành ma quỷ hại mình].

Từ chú thích: Đây là ý cần phân biệt vượng nhược của Quan tinh. Nếu Quan tinh nhược, vận đến Tây phương Thân Dậu là Quan tinh đắc địa, gặp Canh Tân làm hỗn Sát trùng Quan, dễ gây hỗn tạp. Nếu Quan tinh vượng thì Thân Dậu Canh Tân đều là kị cả. Lại cần phải biện thấu và không thấu, nếu Quan tinh nhược, tàng chi mà không thấu chi, vận gặp Tân là Quan tinh thấu thanh, không phải là trùng Quan.

Nguyên văn: Lại có trường hợp cùng loại ngũ hành can mà không thể song hành là thế nào? Đó là giả như Đinh sinh tháng Hợi mà năm thấu Nhâm Quan, gặp Bính thì giúp thân, gặp Đinh thì hợp Quan.

Từ chú thích: Hợp Sát là hỷ, hợp Quan là kị. Như Bính sinh tháng Hợi, thấu Nhâm là Sát, gặp Bính giúp thân, gặp Đinh hợp Sát, tuy đều là cát vận mà không giống nhau, bởi Bính chỉ trợ thân còn Đinh hợp Sát là quyền. Đinh sinh tháng Hợi, thấu Nhâm là Quan, gặp Bính giúp thân còn gặp Đinh hợp Quan là kị. Đinh sinh tháng Hợi thấu Nhâm lại thấu Mậu, là Quan tinh ngộ Thương, gặp Nhâm là Thương quan kiến Quan, gặp Quý thì hóa Thương làm Kiếp, chẳng những giúp thân mà còn giải tai ách cho Quan tinh. Có lẽ những trường hợp này cũng chưa đầy đủ và chi tiết, cần phải quan sát nguyên cục can chi Nhật chủ hỷ kỵ mà định.

Nguyên văn: Lại có trường hợp cùng loại ngũ hành chi mà không thể song hành là thế nào? Như Mậu sinh tháng Mão, năm Sửu, gặp Thân thì tự tọa Trường-sinh, gặp Dậu thì sẽ hội Sửu thành Thương-quan.

Từ chú thích: Biến hóa của chi so với Thiên can phức tạp hơn, như ví dụ trên Mậu sinh tháng Mão, sinh vào Tý, gặp Thân thì hội thành thủy sinh Quan, gặp Dậu thì thương khắc Quan tinh; Đinh sinh tháng Dậu gặp Ngọ là đất Lộc và Kiếp tài, gặp Tị thì sẽ thành Tài cục; Đinh sinh tháng Dậu năm Thìn, Thìn Dậu vốn có thể hợp kim mà lại sinh Tài, vận gặp Tý, Tý Thìn gặp nhau khởi thủy cục, phản thành tiết Tài khí. Nguyên văn này cũng chưa đầy đủ và chi tiết.

Nguyên văn: Lại cùng là tương xung mà phân ra hòa hoãn và cấp thiết là sao vậy? Xung niên nguyệt thì cấp thiết, xung nhật thời thì hòa hoãn.

Từ chú thích: Không thể nói vỏn vẹn một câu như thế mà rõ được, thực ra xung đề cương nguyệt lệnh có vai trò quan trọng, ngoài ra xung các trụ khác thì bình thường; xung hỷ dụng cũng quan trọng, còn xung các chổ không phải dụng thì lại bình thường. Lại phải phân biệt tính chất chi xung, bởi thế tứ sinh Dần Thân Tị Hợi xung nhau cần coi trọng, do khí hãy còn yếu ớt, gặp xung thì tan tác; Tý Ngọ Mão Dậu khí chuyên và vượng, khi xung thì thành hay bại tùy theo cục mà định; còn Thìn Tuất Sửu Mùi là như anh em bạn bè xung khắc nhau, không lấy làm quan trọng. Cho nên Trích Thiên Tủy mới nói "sinh phương phạ động khố nghi khai, bại địa phùng xung tử tế suy" (tứ sinh sợ động, tứ khố cần được xung mở, tứ bại địa gặp xung phải cẩn thận suy tường).

Nguyên văn: Lại có khi cùng xung nhau mà phải phân nặng nhẹ là thế nào? Vận vốn đẹp mà gặp xung thì bình thường, vận vốn kị còn xung (hỷ) thì phải quan tâm.

Từ chú thích: Xung khắc cần xem hỷ hay kị, vận hỷ mà xung kị thì bình thường, vận kị mà xung hỷ thì phải lấy làm quan trọng. Hơn nữa cần coi xét lưu niên, giả sử đại vận tuy là hỷ và lưu niên cùng xung cũng không tốt.

Nguyên văn: Lại có trường hợp gặp xung mà không xung, tại sao vậy? Như trường hợp Giáp dụng Dậu làm Quan, hành vận Mão thì xung, trong mệnh nếu có Tị Dậu hội nhau thì xung vô lực; niên chi Hợi Mùi, thì gặp Mão là hội nhau mà không xung nguyệt Quan.

Từ chú thích: Gặp xung mà không xung là vì có hội hợp giải xung. Giáp dụng Dậu Quan, nguyên cục có Tị Sửu, thì Quan tinh hội cục, Mão xung vô lực; nguyên cục có Hợi hoặc Mùi, vận đến Mão thì tam hợp hội cục thành ra không xung. (Đọc thêm phần: hình xung hội hợp giải pháp).

Nguyên văn: Lại có trường hợp một xung mà thành lưỡng xung là tại sao? Như Ất dụng Thân Quan, hai Thân cùng không xung một Dần, vận lại gặp Dần, thì vận và bản mệnh hợp thành nhị Dần, xung nhị Thân.

Từ chú thích: Nói lưỡng Thân không xung một Dần thì không thể tin hết được. Xung vốn bao gồm cả khắc, Dần tức là Giáp, Canh tức là Thân, Giáp gặp lưỡng Canh, chẳng phải khắc nhau sao? Đặc biệt lưỡng Thân một Dần, khí bất chuyên, ví như lưỡng Canh một Ất, là đố hợp (hai Canh đố kị nhau vì cùng hợp một Ất) cũng thành ra bất chuyên, vận lại gặp Ất, thì mỗi Canh hợp với một Ất mà thành ra tình chuyên. Xung cũng như thế, vận gặp thêm Dần, nhân nhất xung mà dẫn tới lưỡng xung (Đọc thêm phần: Hình xung hội hợp giải pháp).

Đây đều là các phương pháp quan trọng, nhằm chuẩn bị cho chương các cách thủ vận sẽ đề cập chi tiết, tỉ mỉ hơn.

11.6.2012
privacy_tip Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết