( lesoi xin phép tiếp sức bạn Thiếu Bá- Trích từ bản dịch của Bác LePhan)

Nguyên văn: Vận 4 mùa, tương sanh mà thành, nói Mộc sanh Hỏa, Hỏa sanh Thổ, Thổ sanh Kim, Kim sanh Thủy, Thủy lại sanh Mộc, tức theo thứ tự tương sanh, tuần hoàn xoay vần, đi hoài chẳng hết. Như đã có sanh tất phải có khắc, có sanh mà không có khắc, tất cũng chẳng thành 4 mùa vậy. Khắc, vì vậy kiềm chế mà dừng lại, khiến thu liễm lại, nên lấy làm kỵ của phát tiết, có câu "thiên địa có tiết chế mới thành tứ thời". Tức lấy mộc luận, mộc thịnh ở hạ, Sát ở thu, nhờ có Sát, bên ngoài thì khiển phát tiết, bên trong thì tàng thu lại, ấy là lấy chánh Sát làm sanh vậy, kinh dịch lấy kiếm thu làm tính tình thật, nói Đoài là nơi làm đẹp vạn vật, quả đúng vậy ! thí dụ như phép dưỡng sanh, nói ăn uống để mà sống, như ăn uống suốt ngày, chẳng đợi đói 1 chút mới ăn, làm sao mà sống lâu được? 4 mùa xoay vần cũng vậy, sanh với khắc cùng dụng, khắc với sanh cùng công.

Từ chú: "Sanh với khắc cùng dụng, khắc với sanh cùng công" thật quá đúng. Có xuân hạ dương hòa mà chẳng có thu đông túc sát, tất tứ thời không thành; có Ấn động sanh phò mà chẳng có Sát Thực khắc tiết, tất mệnh lý cũng chẳng thành. Cho nên sanh phò với khắc tiết, tùy ở mệnh lý mà dùng, đều không tách riêng, sao cho đưa về trung hòa thì thôi.

Nguyên văn: Như lấy ngũ hành gộp lại mà luận thì tất Thủy Mộc tương sanh, Kim Mộc tương khắc. Lấy ngũ hành chia riêng từng cặp âm dương, tất trong chỗ sanh khắc, lại có khác nhau. Như đều lấy thủy để sanh mộc, mà Ấn có chia ra thiên chánh; kim khắc mộc, mà cục có chia ra Quan Sát vậy. Cùng là Ấn thụ, thiên chánh gần giống nhau nhưng sanh khắc có khác biệt, nên để ý mà luận; trong chỗ tương khắc, một Quan một Sát, hiền ác chia riêng, đạo lý đó luôn phải chú ý.

Từ chú: Âm dương phối hợp, cũng giống như điện từ vậy. Dương gặp dương, âm gặp âm tất chống lẫn nhau, là Thất sát Kiêu ấn vậy; dương ngộ âm, âm ngộ dương tất hút nhau, là Tài Quan Ấn vậy. Ấn sanh ta, Tài bị ta khắc, hoặc thiên hoặc chánh, khí thế tuy thuần tạp có khác, dùng phép trên không khác nhiều lắm. Quan sát khắc ta, hiền ác hồi thù, không thể không nói đến. Tỷ kiếp, cùng 1 khí, như Thực Thương, được ta sanh ra, tất lại lấy cùng tính là thuần, khác tính là tạp. Thuần tạp chia riêng ra mà dùng tùy ở cường nhược, như muốn nghiên cứu mệnh lý phải nên biết rõ.

Nguyên văn: Tức lấy Giáp Ất Canh Tân mà nói thì. Giáp là dương mộc, là sanh khí của mộc; Ất là âm mộc, là hình chất của mộc. Canh là dương kim, là khí túc sát của mùa thu; Tân là âm kim, là chất của ngũ kim (vàng, bạc, đồng…). Giáp mộc là sanh khí, gửi ở mộc mà hành ở thiên, cho nên gặp mùa thu là Quan, trong khi Ất thì ngược lại: Canh là Quan, Tân là Sát. Lại nói về Bính Đinh Canh Tân thì. Bính là dương hỏa dã, khí lửa sáng nóng rực bốc tận trời; Đinh là âm hỏa như hỏa của ngọn lửa củi. Khí túc sát mùa thu, gặp khí lửa sáng nóng thì bị khắc mất nhưng kim loại ta hay dùng thì lại chẳng sợ khí lửa, nên nói Canh lấy Bính làm Sát, mà Tân thì lấy Bính làm Quan. Những chất kim loại ta hay dùng, gặp lửa củi thì lập tức tan chảy ra trong khi khí túc sát lại chẳng sợ lửa củi. Bởi vậy nên Tân lấy Đinh làm Sát mà Canh lấy Đinh làm Quan vậy. Lấy đó mà suy ra, ta nên biết cho rành cái lẽ tương khắc.

Từ chú: Như luận tóm lại về Quan Sát của hỏa thì nếu lấy hình chất của Ất mộc, Tân là những chất kim loại ta hay dùng, Đinh là lửa củi, tự vị tận hợp. Thập can tức là ngũ hành, đều là khí thiên hành vậy. Tựu khí mà phân âm dương, há dựa không có hình chất mà nói được? Thí dụ như chia con người ra âm dương nam nữ, thì nam cũng chia ra nếu dương cương thì nóng nảy, âm trầm thì hèn yếu, nữ cũng vậy, tính chất khác nhau. Lấy ví dụ trên để nói, học giả chớ nên chấp vào sách vở. Ngũ hành nghi kị, toàn là do ở phối hợp lại, trong khi tứ thời nghi kị, mỗi mùa mỗi khác. Ấy là ghi lại để đời sau biết mà luận ngũ hành sanh khắc nghi kị.

27.5.2012