Kiêm cách cơ bản là không thuần 1 cách, dễ phạm vào là các loại Tòng (tòng Nhi, tòng Tài, tòng Sát, tòng vượng, tòng cường). Ngoại cách như Khúc Trực, Nhuận Hạ, Giá Sắc, Viêm Thượng, Tòng Cách (Kim -đừng nhầm với loại tòng theo-) thì rõ ràng rồi, không liệt vào kiêm cách. Cách cục bị phá bại rõ ràng thì cũng không phải là kiêm cách, mà chỉ gọi là bại cách; đến vận hạn thì có khả năng phục hồi hay không đều tùy vào kết cấu thực tế.

Luận kiêm cách đều rất phức tạp, cần hiểu rõ bản thân nhật chủ (tốt nhất là chính nhật chủ nhận xét mình). Nói chung thì cũng chẳng dễ tự biến hóa như trở bàn tay trong hành vận; điều này không dễ giải thích, chỉ có đương số mới hiểu được. Khó khăn chỉ là nhận định ban đầu của chúng ta thôi. Ngay cả tòng cường hay tòng vượng ở thân vượng là 1 thí dụ:

Bính Thân, Bính Thân, Quí Hợi, Canh Thân (Kỉ Sửu)

Rõ là Quí nhật chủ vượng, Ấn vượng, can chi không có tương tác gì, chỉ thấy được 1 chiều khí vượng nhất là Kim, Thủy. Nếu luận tòng cường cũng được, luận tòng vượng cũng được, nhưng Cách cục thì cơ bản chỉ nên có một là thuần cách, cho dù là Kim Thủy cùng 1 luồng khí tương sinh. Nếu không giải được thì tạm liệt vào kiêm cách, nghĩa là gọi tứ trụ này kiêm 2 cách Tòng Cường và Tòng Vượng. Hành vận đến Mậu Tuất thì mới giải thích được, vì tòng vượng Thủy thì bị Thổ phá nặng hơn là tòng cường Kim! Đấy là vấn đề của kiêm cách.

Hóa khí là nhật chủ hóa, không phải tòng. Hóa là nhật chủ biến dạng, còn tòng thì nhật chủ thuận theo. Chữ "kiêm" rõ ràng phải hiểu là "kiêm nhiệm", chẳng có gì là khó hiểu.

-kimcuong, 2013-