KIM TỬ BÌNH
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

KIM TỬ BÌNHĐăng Nhập

Linh hoạt luận giải mệnh lý học Tử Bình từ nhiều góc độ và trường phái khác nhau


descriptionLời tựa EmptyLời tựa

more_horiz
-thachmoc và letung dịch toàn bộ sách CTBG, 2017-

Vi tự
(Lời tựa của họ Vi)


Tiết Lập Đông, năm Bính Ngọ, Vi Thiên Lý ở Đài Bắc

Lời tựa là phần người viết mở đầu cho tác phẩm, vốn là tường thuật những nét đại khái và ý chính trong cuốn sách, nên gọi là tự thuật (lời nói đầu), ngôn từ thường đơn giản khiêm nhường. Đôi khi tác phẩm còn được người khác đề tựa, đại để từ ngữ cũng nhún nhường hoa mỹ nhưng đều khiến nội dung mất đi tính chân thực của nó. Nay tôi sắp xếp lại cuốn sách này, bởi vì nguyên tác và người bình chú, đều đã không còn nữa, nên việc đề tựa cũng đúng mực nhưng vẫn nêu bật những ưu điểm và khuyết điểm của cuốn sách. Theo nội dung chính của cuốn sách mà Dư Xuân Đài tiên sinh đã nói rõ trong lời tựa, trộm nghĩ có bốn ưu điểm xin khái quát như sau: Một là, căn cứ ngũ hành ở bát tự, trình bày rõ ràng về sinh khắc chế khắc chế hóa, hình xung hội hợp, không hỗn tạp với các cách nhìn khác, nhận định vô cùng nhuần nhuyễn mà trong sáng, sắc bén, tuyệt chẳng có chút hàm hồ. Hai là luận cứ (thủ dụng quý tại đề cương), tôn chỉ, phân ra luận 10 nhật can trong 12 tháng, rất rành mạch, có hệ thống, độc giả nếu dụng tâm sẽ thấy thiên hạ vạn mệnh tạo đều có thể định liệu trước mọi việc. Ba là, đưa ra nhiều mệnh tạo thực tế làm ví dụ, để lời nói chẳng phải hư ngôn (nói hư ảo), luận bàn không phải luận bàn giả tạo, độc giả có thể yên tâm mà nghiên cứu. Bốn là, người bình chú Từ Nhạc Ngô tiên sinh chính là một mệnh gia lớn của thời cận đại, đọc sách nhiều, nội tâm phong phú, đã đưa thêm nhiều ví dụ chứng minh, quả như vẽ rồng điểm mắt, càng làm nổi bật những nét chính.

Về khuyết điểm, tổng cộng cũng có bốn điểm. Một là, lời văn nguyên tác viết không xuôi thuận, có nhiều từ ngữ đáng tiếc không biểu đạt được tư tưởng. Hai là, Lạc Ngô tiên sinh, tuy học vấn uyên bác, nhưng khi bình chú có nhiều chỗ gán ghép khiên cưỡng, không tránh khỏi việc quá rời xa chủ đề bình luận. Ba là, xoay quanh việc sao chép cuốn sách này, lỗi in đầy rẫy (nguyên điều này Từ Nhạc Ngô tiên sinh đã sớm nghĩ đến và sửa trong bản thảo, nhưng sự việc không có kết quả, là bởi mùa Thu năm Dân Quốc thứ 38, ngày Từ tiên sinh vội vã quay về Đạo Sơn, vừa đúng lúc Thượng Hải sấm rền gió cuốn, nghiêm cấm đạo thuật này (chỉ môn Tử bình), những người chung sở thích sợ rằng bản thảo đó bị chôn vùi thất truyền, liền bí mật đem in rô-nê-ô (in giấy nến, in dầu) thành hơn 10 bản, hi vọng có thể lưu truyền cho hậu thế có sách mà tham khảo nghiên cứu học tập. Những bản in rô-nê-ô này được sao chép một cách vội vàng trong nhà kho giữa lúc bàng hoàng hoảng sợ thì tránh sao khỏi những sai sót cho được). Bốn là, năm 1957 tôi mượn được một bản thảo in rô-nê-ô từ Lý Vũ Điền tiên sinh ở Thượng Hải, Vũ Điền tiên sinh hiếu học không biết mệt mỏi, khi đọc cuốn sách này đã hiệu đính thêm. Tôi hổ thẹn chỉ dám nhận phần sửa lỗi chính tả, vừa hiệu chỉnh vừa trăn trở e rè, sửa hai ba lần cuối cùng cũng duyệt toàn văn, nhưng vẫn sợ đầu óc ngu độn càng sửa càng thêm sai, rất thẹn với độc giả. Kỳ vọng duy nhất là sau khi xuất bản, chư vị cùng yêu thích mệnh lý chỉ giúp những chỗ sai lầm, cùng tham gia đóng góp ý kiến quý báu cho cuốn sách này, để lần tái bản sau sẽ chỉnh lý, để tác phẩm to lớn này được công khai tồn tại, để cây hoa Mẫu đơn tuyệt đẹp càng thêm xanh lá. Trịnh trọng đề tựa.

   Cùng Thông Bảo Giám tự

   Người xưa có câu: "Ngôn chi bất văn, hành chi bất viễn"(1), phải như vậy chăng? Có một cuốn sách tên là Lan Giang Cương, lấy thập can phối hợp với 12 tháng để xét sự sinh vượng hưu tù của thập can đó và xác định quy tắc thủ dụng, đồng thời xác lập một nguyên tắc cố định mà chế ngự sự vạn biến, song cũng có trình tự nhất định, trong các sách mệnh lý, hầu như không thể sánh bằng. Trái ngược với những sách lấy ra từ tay các thuật sĩ, ý nghĩa tinh thâm lý luận thật khó hiểu, từ ngữ không thông suốt, lại sao chép qua tay nhiều người, ngu đần như lợn, nên không thể vội vàng mà đọc, sách đó bị thay đổi và nhấn chìm qua hàng trăm năm, đều không được các thế hệ coi trọng. Nói đến học tập chuyên môn, nguyên lý thâm thúy sâu xa mà muốn dùng văn tự phổ thông để trình bày cho thấu đáo và rõ ràng, quả thực không phải chuyện dễ dàng, không thông suốt làm sao mà oán trách, để rồi người đời sau học tập cũng không thể tiếp thu được ý nghĩa của sách vở, theo đuổi không được thành ra coi thường kinh sách. Cao sơn lưu thủy (2), người tri âm ít thấy, nhìn lại không bằng Uyên Hải, Thần Phong được mọi người đón nhận, vì thế có được sách tốt là chuyện rất đáng vui mừng!

   Lan Giang Cương được viết từ triều đại nhà Minh, không có đề tên họ của tác giả, vào khoảng đầu nhà Thanh thời vua Khang Hy, nội dung sách này mới được đưa vào Nhật quan (3), đổi tên thành: Tạo Hóa Nguyên Thược (xem Nguyên tự), đến cuối triều nhà Thanh đời vua Quang Tự thì rơi vào tay ông Dư Xuân Đài người Sở Nam, được đổi tên lại là: Cùng Thông Bảo Giám, từ đó mới bắt đầu được in ấn phát hành, chính là bản in hiện nay. Khi tôi bình chú Bảo Giám, một quyển sách hiếm thấy, cũng không thể giải thích hết ý nghĩa, rất muốn có một bản in tốt mà không được, nghi ngờ trong sách có điểm sai lầm mà không dám tự ý thay đổi. Sau đó, nhờ sự giới thiệu của một người bạn, mới biết trong một tiệm bán sách cũ có bản sách cổ này, mua được và có phúc được đọc đúng bản sách tinh diệu được cất giấu như báu vật trong thư đường của Châu Ngô Thị, so sánh cả hai quyển, đối chiếu lẫn nhau, một chữ cũng không khớp, lý lẽ nội dung khác xa nhau, có chỗ liệt kê mệnh tạo cũng nhiều đến cả trăm, điều này chứng tỏ người nắm giữ công việc lịch số thiên tượng của nhà Thanh đã có bổ sung thêm. Lại tiếp tục trải qua mấy năm theo đuổi công việc nghiên cứu, do xưa kia người giải thích không được rõ ràng, mà thời nay quả là không hiểu ra, cho nên tôi từ chính kinh nghiệm của mình từng bước khai thông nhiều khía cạnh, bắt đầu từ ví dụ thực tế, tiếp thu tự nhiên, trong đó phần nhiều không thể gượng ép, chỗ nào tự lượng sức mình không thể đánh giá nông sâu thì trình bày một cách cẩn trọng và thu thập những mệnh tạo của các danh nhân cận đại kèm theo, về danh nghĩa gọi là thuật chứ không phải sáng tác (Tạo Hóa Vô Thi bình chú) (4). Những từ còn chưa được người ta diễn đạt thông suốt, thì thay thế biểu đạt lại mà thôi, nhiều chỗ không dám trình bày và phát triển, do nội dung ý nghĩa đạo lý quá thâm thúy, biến hóa phức tạp, từ ngữ không có tính xác thực, rất dễ dẫn đến sai lầm. Từ khi bắt đầu cho đến bây giờ, đã bảy lần thay đổi bản thảo, trong khi cuộc chiến Huyền Hoàng, Xi Vưu đang hồi quyết liệt (5), của cải dành cho sự nghiệp đều phó mặc cho số kiếp bụi tàn, bản thảo đã thành sau đó lại bị mất mà không thể xuất bản, nào ngờ đó là huyền cơ của tạo hóa, vốn có chỗ chẳng thể tiết lộ ra, còn nhiều nội dung nguyên lý không biểu lộ rõ ràng, sẽ có lúc gặp lại, là do thời điểm nhân duyên hãy còn chưa đến chăng, tạm thời lưu lại bản thảo mà chờ đợi tương lai.

   Dân quốc, mùa Đông năm thứ 30, Từ Nhạc Ngô tôi ghi lại tại phòng sách phía Tây Bắc.

   Chú thích:

   (1) Ngôn chi bất văn, hành chi bất viễn, có nghĩa là: Lời nói không thành văn sách thì không lưu hành đi xa.

   (2) Cao sơn lưu thuỷ (tri âm tri kỷ): Bá Nha có tài gảy đàn, Tử Kỳ có tài thưởng thức. Khi Bá Nha gảy đến đoạn miêu tả núi cao, nước chảy thì Tử Kỳ thốt lên: 'Tuyệt! Tuyệt! cao như Thái Sơn, dài như Trường Giang!'. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha không đàn nữa, ông cho rằng không ai hiểu được tiếng đàn của ông bằng Tử Kỳ. Sau này chữ tri âm dùng để chỉ người hiểu được sở trường của mình.

   (3) Nhật quan: Là một ban có trọng trách nắm giữ về thiên tượng và lịch số của triều đình nhà Thanh.

   (4) Tạo Hóa Vô Thi bình chú: Bình chú mà không có chìa khóa khai mở Tạo hóa, câu này ngược ý với tiêu đề "Tạo Hóa Nguyên Thược" (Chìa khóa nguồn gốc Tạo hóa) bên trên, muốn nói đến sự tìm tòi, mò mẫm không có đầu mối của Từ tiên sinh. (ND)

   (5) Cuộc chiến Hoàng Đế và Xi Vưu là cuộc chiến thời cổ đại của Trung Quốc, ở đây ám chỉ đến cuộc nội chiến tại Trung Quốc đang diễn ra ác liệt giữa hai phe Quốc dân Đảng và Đảng Cộng sản Trung Quốc cùng với sự tham gia của phát xít Nhật (Năm Dân quốc thứ 30 tương đương với năm 1942 dương lịch). (ND)

Được sửa bởi Admin ngày 16/10/2024, 11:24; sửa lần 1.

descriptionLời tựa EmptyRe: Lời tựa

more_horiz
Cùng thông bảo giám nguyên tự

Từ thời thượng cổ, việc học tính mệnh đã được coi trọng hàng đầu, lấy sự tu thân dưỡng tâm hoàn toàn phó mặc cho ông trời quyết định, cho rằng tính tức là mệnh, mệnh tức là tính vậy (1). Thuật Lộc mệnh của người đời sau, không biết từ đâu ra mà có nhiều người học thuật tinh thâm như: Quản Công Minh, Quách Cảnh Thuần, Lý Hư Trung, đàm luận về con người thì thông cho đến tận sinh ly tử biệt, biết rõ sự ứng nghiệm của nó. Khởi nguồn đã có từ rất lâu, tuy việc học xem tính mệnh có sự khác biệt, nhưng nếu không thông hiểu sự kỳ diệu của âm dương và khống chế nguồn gốc của tạo hóa thì không thể biết trước được huyền cơ. Chức nghiệp của các thuật sĩ thời nay, đều lấy Tử Bình làm tông chỉ, khảo cứu Tử Bình do Ngũ Quý Nhân, Danh Cư Dịch, Thiệu Hư Trung truyền lại mà tăng giảm phương pháp của người xưa, so sánh tinh hoa của người đi trước, chuyên xem trọng đạt thành các cách Tài Quan Ấn Thực..., hoài nghi các bí mật còn chưa được tiết lộ. Đạo trời quý ở trung hòa, khí nhiều thiên lệch thì hỗn tạp, quá dương thì cương cứng, quá âm thì nhu nhược, cát hung nghiêng về ẩn giấu, họa phúc thường lẫn lộn, nên mới nói người luận mệnh phải dựa vào kẽ hở của sự thiên lệch đó mà dành thắng lợi, cần xem xét kĩ càng các manh mối. Tạo Hóa Nguyên Thược (Chìa khóa nguồn gốc Tạo hóa) là cuốn sách duy nhất biết được bí mật kẽ hở đó ở chỗ nào, sách chia ra làm hai quyển Thượng Hạ, bỏ sót tính danh của tác giả, tương truyền là của bậc tiên hiền Ngô Đài Trần Nam Cai tiên sinh khi được nhiều vị Nhật quan truyền thụ mà viết thành. Sách này luận giải đơn giản mà trọn vẹn, lý lẽ thâm thúy mà rõ ràng, tuy rằng gói gọn trong một cuốn sách nhưng đủ cả huyền cơ của vạn biến, tìm hiểu sâu sắc có thể thông suốt tới ngọn nguồn, chỗ sâu xa cũng dễ dàng hiểu được, quả thật là khuôn mẫu của Lộc mệnh vậy. Từ xưa đến nay, sách này đã được nhiều người cùng nghiên cứu Tử Bình sao đi chép lại nên không thể tránh khỏi việc chữ tác đánh chữ tộ, bây giờ lấy giản lược để hiệu chỉnh lại, cắt bớt cho rành mạch với những điểm trọng yếu như nhiều sách Lộc mệnh, đưa phụ lục vào sau sách, đem đi in khắc gỗ để công khai cho nhiều người cùng sở thích, khiến người trong nhân gian đều biết đến sự an bài của vận mệnh mà học tập và rèn luyện chờ đợi thời cơ, biết được sự thiên lệch mà bổ sung cho tròn trịa, nhưng không nhất định phải nhờ vào sự trợ giúp của môn học này, đây là lời tựa.

Tra cứu nguyên tự không có tên họ của tác giả, ngờ đâu lúc ghi chép để đem đi in ấn mà chưa được, thấy trong phụ lục của sách có dẫn chứng mệnh tạo của Khang Hy là nhân mệnh thắng thiên mệnh, hoàng đế Khang Hy ở thời đại Nhật quan là điều không có gì phải nghi ngờ (2).

Chú thích:

(1) Coi tính cách chính là số mệnh, số mệnh cũng là tính cách, điều này cho đến nay vẫn còn phù hợp bởi theo mệnh học, khi sinh ra con người đã mang một số mệnh và tính cách con người là một phần trong đó, nên mới gọi là "trời sinh tính". Nhưng theo năm tháng trưởng thành, tính cách con người có thể có những biến đổi, rèn luyện, ẩn giấu, phát huy mà đạt được thành quả nhất định, nhờ đó mà số mệnh con người cũng có thể thay đổi khác đi, điều này còn gọi là "đức năng thắng số". (ND)

(2) “Nguyên tự” nhắc đến ở đoạn văn này là lời tựa của Tạo Hóa Nguyên Thược được Dư Xuân Đài tiên sinh tra soát khi thực hiện việc biên soạn lại cuốn sách này. Nhắc đến mệnh tạo vua Khang Hy là khẳng định việc Tạo Hóa Nguyên Thược đã xuất hiện từ thời vị vua này trị vì, do các Nhật quan biên chỉnh lại từ Lan Giang Cương đã ghi lại mệnh tạo của vua Khang Hy vào sau sách. Lời tựa trên là của Dư Xuân Đài tiên sinh. (ND)

privacy_tip Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết